Nguồn gốc Họ Thân

Giáp Thừa Quý chúa Động Giáp năm 1010 được Lý Thái Tổ chọn làm Phò mã và đã đổi họ từ họ Giáp thành họ Thân, cai quản Châu mục Lạng Châu.

Thân Thiệu Thái: Con của Thân Thừa Quý, năm 1029 lấy Công chúa Bình Dương là con vua Lý Thái Tông, trở thành Phò mã.

Thân Cảnh Phúc: Con của Thân Thiệu Thái và Công chúa Bình Dương, năm 1066 lấy Công chúa Thiên Thành là con vua Lý Thánh Tông, trở thành Phò mã.

Theo sách ''Lịch sử Hà Bắc", đối với miền núi, các Vua nhà Lý thường dùng quan hệ hôn nhân để ràng buộc các tù trưởng, mà điển hình là mối quan hệ giữa triều đình với các tù trưởng ở động Giáp. Động Giáp thuộc phía bắc Hà Bắc và ải Chi Lăng, nam Lạng Sơn, đã giữ một vai trò trọng yếu trên con đường từ kinh đô Thăng Long lên biên giới Đông Bắc.

Nhờ mối quan hệ hôn nhân qua nhiều thế hệ với nhà Lý, họ Thân ở vùng Kép đã trở thành chỗ dựa tin cậy của triều đình. Thân Cảnh Phúc đã chỉ huy những đạo quân chiến thắng quân Tống xâm lược vào các năm 1076-1077.

Do vậy, đất tổ họ Thân của chúng ta là đất Bắc Giang. Thân Thừa Quý, chúa Động Giáp là thuỷ tổ họ Thân.

Trải qua nghìn năm trường tồn và phát triển, họ Thân đã cùng với các tộc họ khác của Đại Việt có mặt hầu khắp ở các miền của tổ quốc. Năm 1306 Thân Đại Lang được triều đình nhà Lê cử vào cai quản đất phương Nam, từ Nam sông Gianh đến Bắc đèo Hải Vân (tức Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên), trở thành ông tổ họ Thân tại Thừa Thiên - Huế.

Năm 1470, vua Lê Thánh Tông cầm quân giải phóng Chiêm Động (tức Quảng Nam Đà Nẵng), Cổ Luỹ (tức Quảng Ngãi), Đồ Bàn (tức Bình Định ) thành lập đạo Quảng Nam, Thân Phước Cẩm được giao cai quản đất Quảng Nam, khai sinh ra dòng họ Thân ở đây.

Tổng lãnh binh Thân Văn Ngôn trấn thủ Đồ Bàn, trở thành ông tổ họ Thân ở Bình Định.

Hơn 600 năm sau, Hán Quận Công Thân Công Tài cai quản xứ Lạng Châu, mở mang bờ cõi vùng biên cương phía Bắc, tổ chức giao lưu buôn bán với Trung Quốc.

Thân Văn Tường Tổng đốc Gia Định trở thành người xây dựng chi phái họ Thân ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Thân Đồng, hậu duệ của Thân Khuê cùng với Tây Sơn khởi binh chống Gia Long nhưng không thành. Con ông là Thân Đỗ Ngạc đã cùng thủ hạ vào Hà Tiên lập nên vùng đất mới, khai sinh họ Thân Hà Tiên.

Dưới triều Nguyễn, Thân Văn Di, phò mã đã cùng Tôn Thất Thuyết, phò vua Hàm Nghi tham gia Cần Vương chống Pháp.

Năm 1884, Thân Bá Phức, sau nhiều năm cùng Hoàng Hoa Thám khởi nghĩa ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên và cùng Hoàng Đình Kinh ở Lạng Sơn, trở về quê tham gia khởi nghĩa Yên Thế cùng Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm), Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám). Thân Đức Luận (tức Thống Luận), kháng chiến ròng rã 30 năm chống thực dân dưới thời Pháp thuộc.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), dòng họ Thân cũng có nhiều người tham gia kháng chiến, tiêu biểu là: Thân Trọng Một (tư lệnh Thừa Thiên Huế), Thân Ngọc Sang (Chính uỷ quân khu 7).

Trong lĩnh vực văn hóa, Thân Nhân Trung (1418-1499): tiến sĩ, thượng thư, Tao Đàn phó soái cùng hai con và cháu nội đều đỗ tiến sĩ. Ông đã có câu nói nổi tiếng được ghi khắc trên hai bia tiến sĩ tại Văn miếu QuốcTử Giám - Hà Nội : "Hiền tài là nguyên khí quốc gia". Câu nói này trở thành chiến lược trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài ngày nay ở nước ta.

Trải qua nghìn năm với bao biến cố thăng trầm của lịch sử họ Thân từ 1010 đến nay, thế hệ nào cũng có người lập công giữ làng, giữ nước, khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi cũng như đạt kết quả trên con đường khoa bảng và học thuật. Do chiến tranh loạn lạc, hậu duệ họ Thân phải phân tán đi mọi miền tổ quốc, từ đường, bia đá, gia phả không còn, do vậy việc truy tìm nguồn gốc, lai lịch dòng họ gặp vô cùng khó khăn.

Vài năm gần đây các chi phái họ Thân ở các vùng đã thành lập Ban liên lạc địa phương. Hàng năm, có ngày Chạp họ (tức ngày giỗ Tổ). Ở Huế, cứ 6 năm tế họ một lần.. Ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ thì đầu xuân hàng năm có tổ chức họp mặt bà con trong họ. Tại Bắc Giang, ở các làng xã, có bà con họ Thân sinh sống đều có tổ chức họ. Từ khi có các Ban liên lạc, việc Họ dần dần đi vào quy cũ và nề nếp.

Hiện nay, các chi phái họ phần lớn chỉ nắm được nguồn gốc dòng họ đến 7 đời, tức là khoảng thời gian từ 1800 trở lại đây. Một số nơi còn lưu giữ được nhà thờ họ, bia, phả của chi mình . Việc tu sửa tôn tạo nhà thờ đã được lưu tâm, đặc biệt là Đền Hả, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang là nơi thờ danh nhân Thượng tướng quân Thân Cảnh Phúc và đền Tả Phủ ở thành phố Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), là nơi thờ Hán Quận công Thân Công Tài. Hai di tích này đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá.

Để chuẩn bị cho kỷ niệm "1000 năm Thân tộc" và để tạo điều kiện cho hậu duệ họ Thân gặp gỡ giao lưu thân thiết hướng về cội nguồn đất tổ dòng ho. Hội đồng Thân tộc có chủ trương quy tụ con cháu hậu duệ từ mọi miền Đất nước kể cả hải ngoại thành một tổ chức thống nhất trên tinh thần "Thân tộc Nhất gia", biên soạn Tộc phả họ Thân (2005) và tổ chức kỷ niệm nghìn năm Thân tộc (2010).

Nguyện cầu anh linh tiên tổ phù hộ, độ trì cho dòng họ Thân chúng ta đời đời vinh quang!

 

Thân Đức Hạnh (Bắc Giang)

Bài viết khác

Họ Thân Việt Nam

Năm 1010, ở biên giới đông bắc nước Đại Việt có vùng đất tên là Lạng Châu (phía bắc tỉnh Bắc Giang và phía nam Ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn). Ở đó có Động Giáp mà chúa Động là Giáp Thừa Quý cai quản một bộ lạc dân tộc lớn. Giáp Thừa Quý được vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) gả con gái, trở thành phò mã của triều đình. Từ đây, ông đổi tên họ Giáp 甲 thành họ Thân 申 và lấy tên là Thân Thừa Quý.

Năm 1010, ở biên giới đông bắc nước Đại Việt có vùng đất tên là Lạng Châu (phía bắc tỉnh Bắc Giang và phía nam Ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn). Ở đó có Động Giáp mà chúa Động là Giáp Thừa Quý cai quản một bộ lạc dân tộc lớn. Giáp Thừa Quý được vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) gả con gái, trở thành phò mã của triều đình. Từ đây, ông đổi tên họ Giáp 甲 thành họ Thân 申 và lấy tên là Thân Thừa Quý.
Con trai của Thân Thừa Quý là Thân Thiệu Thái nối nghiệp cha tiếp tục cai quản ...