Họ Thân ở Huế

1. Từ Thân Văn đến Thân Trọng: Họ Thân xuất phát từ vùng núi phía Bắc, thuộc dân tộc ít người, mở đầu là Thân Thừa Quý đầu đời Lí, vốn là thủ lĩnh động Giáp, Châu Lạng (nay tỉnh Lạng Sơn), mang họ Giáp. Lí Công Uẩn sau khi lên ngôi (tức Lí Thái Tổ), chủ trương liên kết với các dân tộc phía bắc để tạo lực lượng bảo vệ biên giới trước sự dòm ngó của nhà Tống. Một trong những biện pháp thể hiện chủ trương ấy là gả công chúa cho các thủ lĩnh, biến họ thành “người một nhà”. Do đó, Giáp Thừa Quý được làm phò mã, và đổi họ là Thân, chữ Hán 甲 Giáp và 申 Thân chỉ khác nhau chút ít ở tự dạng. Từ đó, họ Thân phát triển ngày càng đông đảo, đóng góp nhân tài cho đất nước về mọi mặt, chia đi khắp mọi miền Tổ quốc. Và từ thế kỉ XIV, theo bước chân Huyền Trân công chúa và Khâm sai Đoàn Nhữ Hài, một chi phái vào Hóa Châu, khai thủy một họ tộc tại làng An Lỗ, huyện Quảng Điền (nay thuộc xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế)[1]. Đến thế kỉ XVIII, một số người chuyển địa bàn cư trú đến xã Nguyệt Biều, huyện Hương Trà, sau chia vào huyện Hương Thủy (nay thuộc xã Thủy Biều, Thành phố Huế), xây dựng từ đường ở đấy, sản sinh những người con ưu tú[2]... Thời gian này, bắt đầu xuất hiện tình hình những người mang chữ họ Thân Văn và Thân Trọng.

Nói chung, từ thời thượng cổ, Việt Nam không có họ, chỉ bắt đầu tiếp nhận tục đặt họ của người Trung Quốc trong thời Bắc thuộc, như Nguyễn, Trần, Mai, Vũ... nhưng lại không có thiên hướng dùng họ kép (họ kết hợp hai tiếng), một “sản phẩm” riêng của Trung Quốc, như Mộ Dung, Tư Mã, Lệnh Hồ... Mãi đến thời cận kim, khi họ tộc phát triển về số lượng, nhiều phái, nhiều chi, người ta mới phân biệt bằng cách dùng thêm một từ trước, thường gọi là “chữ lót”, có tác dụng xác định vị thứ trong gia đình kèm với họ chính trong từng phái, từng chi để dễ nhận nhau; chẳng hạn họ Nguyễn chia ra Nguyễn Văn, Nguyễn Bá, Nguyễn Trọng, Nguyễn Thúc, Nguyễn Quý..., hoặc một từ khác biểu hiện ý nghĩa, nguyện vọng như Nguyễn Hữu, Nguyễn Phúc, Nguyễn Quang, Nguyễn Xuân..., “vô tình” thành ra họ kép. Thân Văn và Thân Trọng cũng thuộc trường hợp này, và chúng ta xét xem thử hai danh xưng họ đó ra đời vào lúc nào.

1. 1. Trước hết, tìm vào Gia phả, nguyên bản chữ Hán hình như đã thất lạc, chỉ có bản bằng chữ Quốc Ngữ do Thượng thư trí sự Tự Khánh Thân Trọng Ngật (1877 - 1946) biên dịch, in lần thứ nhất năm Ất Tị - 1965. Trong bài tựa đề ngày 21/12/1931 (tức 13/11/Bảo Đại 6), ông viết:

“Từ năm 1924 được ra làm Án sát Quảng Trị đến bây giờ, khi nào rảnh việc quan, cứ đem Gia Phổ ra xem mà dịch. Lại nghiên cứu niên hiệu nước nhà tỉ chiếu theo niên hiệu Giáng sinh, dọn bớt những câu không thiết thực trong Hán văn, mà viết thêm vào những điều tai nghe mắt thấy...” (tr. 9).

Gia phả chép “ông Thanh” làm Thái sơ tổ, “Ông Bảng” làm Thiếu sơ tổ, “Ông Thê” (con ông Bảng) làm đời thứ nhất, rồi đời thứ nhì, con ông Thê, bắt đầu chia ra bốn phòng: phòng Bá là ông Duyên, phòng Trọng là ông Quyền, phòng Thúc là ông Phát, phòng Quý là ông Tài. Trong sách này, hầu hết đều ghi rất đơn giản, như “Ông Thê”, “Ông Bảng”, “Ông Quyền”, “Ông tổng đốc Nhiếp”... chứ không cho biết ai là Thân Văn, ai là Thân Trọng; mãi đến lời chú ở đời thứ nhì, phòng Trọng mới thấy “ông Thân Trọng Hầu” (con ông Di), “ông Thân Trọng Khoái” (con ông Tiết), Hầu và Khoái là đời thứ năm (tr. 28), và ở phần viết về ông Nhiếp mới thấy “ông Thân Văn Quyền” (tr. 48). Bài tựa nguyên bản chữ Hán cũng được dịch lai, đề năm Canh Tí, Minh Mạng 21 (1840), tác giả là Thân Văn Tuyến (1798 - 1857), em ông Duy (1796 - 1828), cháu ông Quyền (1771 - 1837)[3].

1. 2. Làng An Lỗ nay còn giữ được một số văn bản chữ Hán trải qua mấy trăm năm, tuy không nhiều lắm, nhưng rất quý, cho ta biết những sinh hoạt, tập tục của nhân dân thời xưa. Trong đó, chúng tôi chú ý đến một văn bản liên quan đến vấn đề đang xét, đề ngày 18/8/Tự Đức thứ 33 (3/10/1879), nội dung đơn giản, chỉ là:

“Thuận định lệ: hễ người nào gia nhập sáu bộ và sáu phòng Thừa Thiên, thì không nên vì cớ gì còn tùy tiện gia nhập nha vệ đội làm lính mộ. Nếu có bằng của bộ đưa về trình, không kể trước sau năm nào, không được dự cấp ruộng lương khẩu phần”

nhưng ở phần kí tên và điểm chỉ, liệt kê các nhân vật họ Thân, thì người Thân Văn xen lẫn Thân Trọng, như phò mã đô úy Thân Văn Di, suất đội Thân Văn Long. Những người Thân Trọng khác có tên đều thuộc nhóm cư ngụ tại Nguyệt Biều: Ngữ, Khoái, Đôn, Điềm, Đàm, Đễ. Như vậy, tuy vào định cư tại Nguyệt Biều, nhưng con cháu vẫn sinh hoạt việc làng, việc họ ở An Lỗ, và tiếng nói của họ cũng rất có “trọng lượng”.

1. 3. Khu tẩm mộ ông phò mã, bà công chúa và cậu con trai hiện ở Nguyệt Biều. Mặt trước, cổng biến thành một bi đình che chở tấm bia lớn, khắc bài Dương Xuân Cư Chánh tự điền bi kí, do Tuy Lí vương Miên Trinh soạn, có đoạn viết:

“Sơ phò mã Thân Như Phủ hữu tử Trọng Mậu, Mai Am sở sinh dã, yểu chiết vu đồng ô chi niên; Như Phủ dĩ thử thường uất uất. Giáp Thân chi biến một ư vương sự, mã cách lí thi, cái kì chí dã. Tang tất, chúa nãi thân trạch thứ tử Trọng Hậu giả dục chi, tự oa oa dĩ ngật tựu truyền”

(Trước kia, phò mã Thân Như Phủ có con trai là Trọng Mậu do Mai Am sinh hạ, nhưng bị chết sớm ở cái tuổi ấu thơ; Như Phủ vì thế mà u uất không nguôi; đến biến cố năm Giáp Thân [chính xác là năm Ất Dậu 1885 - LNL], ông chết vì việc cần vương, da ngựa bọc thây, ấy là cái chí của ông. Sau khi mãn tang, công chúa thân chọn người con bà thứ thất ông Di là Thân Trọng Hầu, nuôi từ lúc còn khóc oa oa để đến lúc kế thừa).

Trong vòng la thành, ngoài ba ngôi mộ còn có một nhà bia nhỏ, dựng một tấm bia phía trên đầu mộ cậu bé, khắc cả hai mặt, trong đó có bài Thân sanh Mộng Tùng ai từ của Tùng Thiện công Miên Thẩm, câu mở đầu như sau:

“Thân Trọng Mậu tiểu tự Mộng Tùng, phò mã đô úy Văn Di Như Phủ đích trưởng tử, kì mẫu ngô nữ đệ Mai Am thái chủ...”.
(Thân Trọng Mậu, tên chữ Mộng Tùng, là con trai trưởng của phò mã đô úy Trọng Di, hiệu Như Phủ, mẹ là thái chúa Mai Am, em gái tôi).
Như vậy, con ông Di đã được mang họ kép Thân Trọng rồi.

1. 4. Xét sử sách triều Nguyễn, thì Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện do Quốc Sử quán biên soạn, có tên các ông Thân Văn Quyền, Thân Văn Duy, Thân Văn Nhiếp. Đến Quốc triều hương khoa lục và Quốc triều khoa bảng lục, cũng của Quốc Sử quán, do Cao Xuân Dục chủ biên (tổng tài), chúng ta đọc thấy tên các nhân vật như: Thân Trọng Tiết (1828 - 1858) đỗ cử nhân khoa Canh Tuất, Tự Đức 3 (1850), đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi, Tự Đức 4 (1851) [tên ông còn được khắc trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế], Thân Trọng Điềm đỗ cử nhân khoa Mâụ Dần, Tự Đức 31 (1878), Thân Trọng Cảnh đỗ cử nhân khoa Đinh Hợi, Đồng Khánh 2 (1887), Thân Trọng Khoái đỗ cử nhân khoa Mậu Tí, Đồng Khánh 3 (1888), Thân Trọng Lẫm đỗ cử nhân khoa Mậu Tí, Đồng Khánh 3 (1888), Thân Trọng Ngật (1877 - 1946) đỗ cử nhân khoa Quý Mão, Thành Thái 15 (1903), đỗ phó bảng khoa Giáp Thìn, Thành Thái 16 (1904), Thân Trọng Bính (1880 - 1950) đỗ cử nhân khoa Bính Ngọ, Thành Thái 18 (1906). Trong số này, ông Tiết là em ông Di, con ông Duy; ông Điềm, ông Khoái, ông Lẫm là con ông Tiết.

Như vậy, biệt danh họ Thân Trọng chỉ dùng cho con cháu thuộc phòng Trọng ở Nguyệt Biều do ông Quyền đứng đầu, nhưng cũng phải đến đời thứ tư (cháu nội) mới thực hiện. Tên con do cha mẹ đặt khi khai sinh, vào sổ hộ tịch tại làng xã. Vì vậy, ắt hẳn các vị đời thứ ba là ông Tuyến, ông Duy, ông Nhiếp đã thống nhất với nhau về việc lấy chữ “Trọng” dùng riêng cho chi họ mình tại Nguyệt Biều.
Phụ lục: Tờ khoán định về việc dân đinh.

Nguyên văn (Phiên âm):
An Lỗ xã bản xã đẳng lập lệ định sự.
Chiếu đắc xã nội đinh điền số thiểu, tự lai dân giai tị trọng tựu khinh, đầu nhập vệ đội chư nha, nhàn hữu sạ tại sạ đào, dĩ trí xã nội dân số nhật tăng, dao dịch nhật trọng. Tư nghĩ ưng lề định: tự phàm hà nhân đầu nhập lục bộ tịnh Thừa Thiên lục phòng, thính vô tu nghĩ hà hệ thiện tự đầu nhập mộ binh hà nha vệ đội, như hữu bộ bằng hồi trình giả bất câu tiền hậu hà niên thính câps khẩu phần, vô đắc dự thực lương điền. Phả giá lệ ư Tự Đức thập bát niên dĩ hữu lệ định, chí nhị thập nhất niên, cựu lí trưởng Thân Văn Thận phụng thủ thất lạc, kinh dĩ trách trừng, Tư thỉnh y cựu lệ hợp hành lưu chiếu, dĩ phòng tị tựu. Tư lệ định từ.
Tự Đức tam thập tam niên bát nguyệt thập bát nhật.
[Danh sách kí chỉ, xin xem ở bản dịch].


(Xã An Lỗ lập tờ định lệ như sau:
Chiếu cứ trong xã, số dân và ruộng ít ỏi; từ trước đến nay, nhiều người tránh nặng tìm nhẹ, gia nhập các nha vệ đội, lúc ở lúc về, đến nỗi trong xã số dân ngày càng tăng, sưu thuế ngày càng nặng. Nay thuận định lệ: hễ người nào gia nhập sáu bộ và sáu phòng Thừa Thiên, thì không nên vì cớ gì còn tùy tiện gia nhập nha vệ đội làm lính mộ. Nếu có bằng của bộ đưa về trình, không kể trước sau năm nào, không được dự cấp ruộng lương khẩu phần. Vả chăng vào năm Tự Đức thứ 18 [1865], lệ ấy đã có định rồi, đến năm thứ 21 [1868], lí trưởng Thân Văn Thận vâng giữ bị mất và đã bị phạt.
Nay xin theo lệ cũ hợp lại mà làm, lưu chiếu để phòng kẻ tránh nặng tìm nhẹ. Nay định lệ.
Ngày 18 tháng Tám năm Tự Đức 33 (3/10/1879).
Phò mã đô úy Thân Văn Di (chữ kí).
Suất đội Thân Văn Long (chữ kí).
Tư vụ Nguyễn Văn Cẩn (chữ kí).
Tư vụ bộ Hộ Thân Trọng Trữ.
Cẩm Y thiên hộ Thân Trọng Khoái (chữ kí).
Đội trưởng Nguyễn Văn Hương (chữ kí).
Bát phẩm Thân Văn Tự (chữ kí).
Cửu phẩm bộ Lễ Thân Trọng Đôn.
Tòng cửu phẩm bá hộ Nguyễn Văn Tiền (chữ kí).
Cử nhân Thân Trọng Điềm (chữ kí).
Thừa biện bộ Lễ Thân Trọng Đàm.
Ấm sinh Thân Trọng Đễ.
Thư lại bộ Binh Đỗ Đăng Lập (chữ kí).
Lễ sinh thư lại Thân Văn Hoàn.
Thủ hộ thư lại Thân Bá Khuê.
Viên tử Nguyễn Văn Chất (chữ kí).
Thân Văn Hổ (chữ kí).
Lão nhiêu Nguyễn Văn Sở (chữ kí).
Thân Văn Kỉ (chữ kí).
Lão nhiêu Đỗ Văn Ninh (chữ kí).
Thân Văn Kỉ (chữ kí).
Thân Văn Thận (chữ kí).
Nguyễn Văn Kế (chữ kí).
Lí trưởng Thân Văn Kiệm (chữ kí).
Dịch mục Nguyễn Văn Bình (chữ kí).
Tráng hạng Nguyễn Văn Thận (chữ kí)
Nguyễn Văn Ý (in dấu tay).
Thân Văn Lâu (in dấu tay).
Đỗ Văn Tài (in dấu tay).
Nguyễn Văn Quý (in dấu tay).
Vâng viết: Nguyễn Văn Quang (chữ kí).

2. Khu tẩm mộ ông bà phò mã và nhà thờ họ Thân ở Nguyệt Biều:

2. 1. Khu tẩm mộ phò mã và công chúa tọa lạc tại nghĩa địa họ Thân, phía tây gò Long Thọ, làng Nguyệt Biều. Chung quanh la thành hình chữ nhật bao bọc, rộng 10,7m, dài 14,5m, dày 0,52m, mở một cửa chếch hướng nam cao 3,5m, cổng vòm cao 1,6m, rộng 1,1m. Phía trước là một bi đình cao lớn như cái cổng chính của các phủ đệ thế kỉ XIX, cao 3,5m, bình diện 3,4m x 2,2m; bên trong dựng tấm bia đá thanh khắc bài văn Dương Xuân Cư Chánh tự điền bi kí (Tả tôn chính Tuy Lí vương Miên Trinh soạn ngày tốt tháng Tám/Thành Thái 6 - 1894). Bia cao 189cm, rộng 57cm, dày 13,5cm, riêng trán cao 65cm, đặt trên đế dài 63cm, rộng 38cm, cao 22,5cm, hoa văn chạm hình thái cực và rồng phụng. Bia một mặt có kẻ ô, mỗi chữ nằm gọn trong một ô, 15 dòng, nét chân phương, rõ ràng, dòng đầu là nhan đề, dòng cuối là lạc khoản, bài văn 13 dòng, mỗi dòng 31 chữ, riêng dòng cuối 27 chữ, tổng cộng 499 chữ. Tác giả cho biết công chúa Mai Am thương chồng chết vì lòng trung nghĩa mà thước tấc công lao không được sử sách ghi chép, nên dành dụm tiền bổng mua ruộng ở hai xã Dương Xuân và Cư Chánh để lại cho con nuôi làm tự điền. Bấy giờ công chúa tuổi đã cao, sức đã yếu, chuộng tiết kiệm, không xa hoa, nghĩ rằng làm như thế thì của cải vẫn còn mãi về sau...

Vào khỏi cửa, sau bình phong xếp hàng ba ngôi mộ. Mộ công chúa Mai Am ở giữa, bia cao 42,5cm, ngang 28,5cm, dày 13,5cm, hoa văn chạm mặt trời, rồng phụng và cúc, đặt trên đế dài 63,5cm, rộng 37cm, cao 22cm, chữ khắc chân phương một dòng “Lại Đức công chúa thụy Mĩ Thục chi tẩm”. Mộ phò mã Thân Văn Di bên phải, bia cao 53,5cm, ngang 33,7cm, dày 10,5cm, không chạm hoa văn, đặt trên đế dài 41,5cm, rộng 32cm, cao 13cm, mặt khắc chữ chân phương một dòng ở giữa “Phò mã đô úy Thân Như Phủ thụy Cương Mại chi mộ”, hai bên phụ chú ngày sinh ngày mất. Mộ Thân Trọng Mậu bên trái, có bi đình nhỏ, trong dựng tấm bia khắc chữ cả hai mặt, cao 61cm, ngang 41,5cm, dày 5cm, đặt trên đế dài 55cm, rộng 35cm, cao 8,5cm; bài văn mặt trước nhan đề Thân sanh Mộng Tùng ai đề, do Tùng Thiện công soạn, gồm 19 dòng, dòng 36 chữ (dòng cuối 30 chữ), nội dung cậu thương khóc cháu khôi ngô mà bạc mệnh; mặt sau khắc câu đối vãn của Thân Văn Di, mỗi vế 13 chữ, và 15 bài thơ thất ngôn tuyệt cú khóc con của Mai Am, cộng 420 chữ...

2. 2. Khu tẩm mộ, trên mặt đất là những áng danh văn, dưới lòng đất là nơi ngủ giấc nghìn thu của hai con người đáng kính trọng: một nhà thơ - danh sĩ đất thần kinh thế kỉ XIX, và một sĩ phu trung nghĩa vong thân: Mai Am công chúa và phò mã Thân Văn Di. Công chúa tên Nguyễn Phúc Trinh Thận, sinh ngày 11/8/Bính Tuất (12/9/1826), tự Thúc Khanh và Nữ Chi, hiệu Diệu Liên và Mai Am, nhưng thiên hạ phần nhiều chỉ biết đến qua danh xưng cuối cùng này, là hoàng nữ thứ hai mươi lăm của vua Minh Mạng[4]. Thủa bé, bà được nuôi dưỡng trong cung như chị Vĩnh Trinh và em Tĩnh Hòa; lớn lên ra ở Tiêu Viên (1849), được anh Miên Thẩm(2) tận tình dạy bảo, bà càng tiến bộ nhanh chóng, thường tham gia các hội thơ tại Kí Thưởng Viên, ai cũng khâm phục tài mẫn tiệp. Năm 1850, bà hạ giá với Thân Văn Di. Ông Di thuộc đời thứ mười bốn, con ông Thân Văn Duy (1769 - 1828), cháu ông Quyền, sinh ngày 27/4/Ất Dậu (13/5/1825). Tuy cũng theo đòi nghiên bút, nhưng ông không ham khoa cử, chẳng thiết hoạn trường, cho nên chỉ ở nhà chăm sóc vườn tược, vui với cúc tùng, trong khi em là Thân Trọng Tiết (1878 - 1958) nối nghiệp cha ông, thi đỗ tiến sĩ và làm quan[6]... Cuộc hôn nhân này kể ra cũng “môn đăng hộ đối”, chỉ một nỗi “chúa thì có tiếng làm thơ, mà ông không ưa từ chương, thật thà như một ông lão nhà quê”[7]. Vợ chồng kính yêu nhau nhưng không “tương đắc” như đôi lứa cô chị và cô em, vì họ đều yêu thơ, xướng họa làm thành tập. Năm Tân Hợi, bà Thục tần qua đời. Ngày 9/12/Quý Hợi (17/01/1864), Trinh Thận sinh con trai Thân Trọng Mậu, tiểu tự Mộng Tùng. Cậu bé khôi ngô, mẫn tiệp, nhưng thể chất yếu đuối, ốm chết ngày 14/3/Mậu Thìn (6/4/1868). Đó là nỗi đau khắc sâu vào tim bà sau việc mừng vì Diệu Liên thi tập được Mặc Vân Sào khắc in lần đầu chưa lâu la gì! Khóc con, bà đã làm 15 bài thơ tuyệt cú đẫm lệ, khắc vào bia mộ, sau đây trích hai bài:
Mộng tàn dăng đả dạ hà kì
Vãng sự đê hồi hữu sở ti [tư]
Phảng phất ngũ canh nhân thụy khởi
Tần hô nhũ mẫu giáo ngâm thi
Nhất cá minh hồng[8] tích vũ mao[9]
Thanh thiên bích hải mộng hồn lao
Nhật trường giá quán lương như thủy
Phi điểu hà niên phản cựu sào
(Đêm nao đèn lụn tỉnh cơn mơ
Chuyện cũ bâng khuâng nhớ đến giờ
Phảng phất năm canh ai thức giấc
Bao lần gọi mẹ dạy ngâm thơ
Một chiếc hồng xa tiếc cánh lông
Trời xanh biển biếc luống mơ mòng
Ngày dài quán giá êm như nước
Chim ruổi năm nao trở lại lồng?).
Từ đó, bà không còn sinh nở. Cũng năm này, bà được phong Lại Đức công chúa...

Phò mã Thân Văn Di tuy “thật thà như một ông lão nhà quê”, nhưng tấm lòng khảng khái của ông thì không phải ai cũng có được. Sau cuộc binh biến ở kinh thành Huế đêm 22 rạng ngày 23/5/Ất Dậu (đêm 3 ngày 4/7/1885), Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi xuất bôn, phò mã Di cũng bỏ nhà ra đi. Trong gia phả, phần tiểu sử Thân Trọng Ngật (1877 - 1949), cháu gọi ông bằng bác, kể rằng lúc ấy, Ngật mới chín tuổi, cũng khăn gói chạy theo tìm vua, đến bến đò Phú Ốc thì gặp ông, ông bảo:

“Anh em ta con nhà thế gia chữ thích dữ đồng, vua đi đều đi theo là phải. Nhưng kẻ đi cũng phải có kẻ ở nhà, vậy chú nên ở lại, một mình tôi đi cũng được”.

Cháu về rồi, ông tiếp tục hành trình, nhưng mất hút dấu vua, vì ngự đạo đã đổi hướng để tránh sự truy lùng của giặc Pháp. Theo Lô Giang tiểu sử, Nguyễn Văn Mại và Hoàng Trọng Từ ra Quảng Trị dò la tin tức, trở về đến Diên Sanh thì gặp phò mã Di. Ông nói:

“Hai anh đương còn trẻ tuổi, chưa mang ơn nước, ở nhà lại có mẹ già; người ta lập thân, duy trung với hiếu, không được hết đạo làm tôi thì nên hết đạo làm con. Nhà ta mấy đời mang ơn nước, không phải như các anh, nay vua đi ra mà không một ai đi theo thì lấy gì mà đối với thiên hạ. Ta là gia trưởng tuổi đã 56 rồi không còn ước vọng gì nữa, sở dĩ trì hội đến nay là vì có hai con dại, lo gởi cho nhà ngoại nuôi nấng, sau lớn khôn cho ở tớ với người để nạp thân thuế là đủ. Ta không còn mong chi nữa. Vậy nên ta đi”.

Mại ngăn cản: “Vua đã lên Thượng Du rồi, sợ lên không kịp”. Ông trả lời:

“Thân già há còn bôn tẩu được sao? Sự thể ngày nay há có thể hiệu triệu người trung nghĩa mà mưu khôi phục sao? Còn lại 13 tỉnh há có thể lấy lại một thành một tỉnh mà phụng sự xã tắc sao? Há có thể bôn ba lưu li hô hào Thượng quốc [Tàu] để mưu cứu viện sao? Ta cứ đi, từ từ ta đi để cho khỏi phụ lương tâm, ta tìm được một cái chết là đủ...”.

Dù quan niệm trung hiếu của ông như thế nào mặc lòng, thử hỏi bao nhiêu cử nhân, tiến sĩ, quan to, tước lớn ở triều đình Huế, mấy ai được như “ông lão nhà quê” ấy? Phò mã Di từ biệt hai anh học trò, vác chiếc khăn gói với ít bộ áo quần và muối rang, lầm lũi đi vào rừng tìm vua, rồi mất tích[10].
Thế là cùng với niềm đau mất con, mất anh[11], mất em[12], Mai Am lại thêm một niềm đau không dễ gì hàn gắn được. Mảnh tình của người mẹ thương xót đứa con ngây thơ thông minh sớm lìa đời, người em khóc ông anh về cõi vĩnh hằng, của người chị đau đớn tiễn em lên miền tiên thọ, và nhất là của người vợ xót thương chồng vì nghĩa lớn bỏ mình nơi núi cao rừng thẳm; tất cả chung đúc trong bài Phụng họa gia tỉ Nguyệt Đình “Sơn cư nhàn vịnh kiến kí” chi tác (Kính họa bài “Ở vùng núi rảnh rang, vịnh gửi những điều trông thấy” của chị Nguyệt Đình):
Hoa xưng tỉ muội tiện phương danh
Huống phục liên chi bội hữu tình
Thi tụng Nguyên linh[13] hoàn nại độc
Cầm đàn Biệt hạc(2) bất thành thanh
Kết li khổ tự kì đồng huyệt
Di cốt nan quy cựu kiến oanh
Phương thốn hà kham dinh bách lự
Mông Trang[15] chỉ hợp ái ngô sinh
(Gọi hoa tỉ muội ấy phương danh
Tình nặng càng thêm nghĩa nối cành
Thơ khúc Nguyên linh ngâm chẳng được
Đàn bài Biệt hạc gảy không thành
Những mong duyên đẹp về chung huyệt
Khôn nhặt xương thừa đắp mộ anh
Trăm mối nghĩ lo lòng khó giải
Thầy Trang họa có xót thương đành).
Công chúa xây nấm mồ không cho chồng, rồi về nhà chồng ở Nguyệt Biều, mua ruộng thờ để lại cho con là Thân Trọng Hầu, mang theo niềm đau ấy cho đến khi mất (16/11/Quý Mão - 3/01/1904), tên thụy Mĩ Thục [16].

2.3. Nhà thờ họ Thân ở làng Nguyệt Biều (xã Thủy Biều, Huế), nằm dựa bờ sông Hương, đối ngạn với Văn Miếu. Ngôi từ đường lúc đầu để thờ ông Quyền, do Thân Văn Nhiếp làm năm 1869, kiểu nhà rường gỗ một gian hai chái. Năm 1904, cơn bão lớn (thường gọi là bão năm Thìn) xô đổ, phế liệu dỡ đi nơi khác; người trong họ đem một bộ sườn gỗ cũ ba gian hai chái về tái thiết. Ở phần viết về ông Quyền trong Gia phả có chú như sau:

“Nhà thờ ông là của ông tổng đốc Nhiếp làm toàn bằng gỗ gõ (1 căn hai chái). Đến năm Giáp Thìn (1904) bão to, nhà thờ nào cũng bị hư hại, cần phải tu bổ mà nhất là nhà thờ Cửa Sĩ của ông hiệp trấn Duy và ông làm ra cần phải tu bổ hơn. Nhà đã lớn, mà con cháu nhánh Bá, nhánh Thúc ít lại nghèo, không thể lo liệu được, nên hòa bàn cùng nhau thuận dời nhà thờ Cửa Sĩ (ba gian) đưa làm nhà thờ ông. Còn nhà thờ ông thì đưa lên làm nhà thờ Cửa Sĩ. Bây giờ hai nhà thờ, con cháu đều đã lo lợp ngói dược cả rồi” (tr. 28).

Khu vườn rất rộng, diện tích xây dựng đến 108m2, tường gạch mái ngói, hàng hiên nền đúc. Từ trong ra mỗi bên có bốn hàng cột, mỗi hàng sáu cột; mặt trước đóng bằng cửa bàn khoa thượng song hạ bản, giữa 15 cánh, mỗi bên tả hữu 4 cánh nối với một đoạn vách xây dài 1m. Nội thất mỗi gian thiết ba án thờ tiền, trung, hậu. An giữa thờ ông bà Thân Văn Quyền, án tả thờ ông bà Thân Văn Duy, án hữu thờ ông bà Thân Văn Di. Ngoài tộc phả, bi kí, từ đường còn bảo lưu chiếc giường của Mai Am.

Từ đường Thân tộc và khu mộ Nguyệt Biều không chỉ liên quan đến một dòng họ, mà còn là “vang bóng một thời” của nhiều con người nổi tiếng trong lịch sử, trong văn học, như Thân Văn Quyền, một nhà mô phạm mẫu mực đào tạo một lớp cử nhân, tiến sĩ thế kỉ XIX (trong đó có tiến sĩ Hoàng Thiện Trường, tức Hoàng Trọng Nguyên, tiến sĩ Hoàng Văn Tuyển), Thân Văn Nhiếp, một vị quan ngay thẳng dám phê phán vua Tự Đức là xa xỉ trong việc xây dựng Khiêm cung; Thân Văn Di, ông phò mã khẳng khái trung can liều chết theo vua, Nguyễn Phúc Trinh Thận, một bà chúa hay thơ được giới danh sĩ khâm phục... Vì vậy, thiết tưởng quần thể di tích này rất đáng được xếp hạng cấp quốc gia.

 

Phụ lục.
 

Bài văn bia khu tẩm mộ Nguyệt Biều.
Nguyên văn:
Dương Xuân Cư Chánh tự điền bi kí.
Khanh tất hữu khuê điền, cổ chi chế dã. Hậu lai dinh tư điền vi tự điền, tuy sở thủ dụng thù nhi tử tôn tha nhật trí lực kì trung dĩ cung tự sự, truyền chi vĩnh cửu vật thế. Quỷ chi cổ chế hà khả phế tai! Dương Xuân Cư Chánh tự điền giả Lại Đức thái trưởng công chúa Mai Am vi tử tôn tha nhật chi sở trí dã. Sơ phò mã Thân Như Phủ hữu tử Trọng Mậu, Mai Am sở sinh dã, yểu chiết vu đồng ô chi niên; Như Phủ dĩ thử thường uất uất. Giáp Thân chi biến một ư vương sự, mã cách lí thi, cái kì chí dã. Tang tất, chúa nãi thân trạch thứ tử Trọng Hậu giả dục chi, tự oa oa dĩ ngật tựu truyền, nhiên thường ưu Trọng Hậu chi vô dĩ tự lập. Đồng Khánh nguyên niên thập nhị nguyệt, chúa trừ thanh bổng nhị thiên lục bách dư quán mãi Do, Tử, Tích đẳng tư điền vu Dương Xuân xã phàm tứ mẫu. Thành Thái ngũ niên bát nguyệt, tăng mãi Thân Bá Tuy tư điền vu Cư Chánh xã nhất mẫu cửu cao thập xích, quân trí vi tự điền dĩ di Trọng Hậu, nhi kí nhi thán viết: “Ngô phu tử trượng trung nghĩa chi tiết, phấn bất cố thân, vị hữu xích thốn công thùy trúc bạch, thảm hĩ! Nhi hựu sử hậu nhật chi vô dĩ cung xan thịnh bất cánh thảm hồ! Toại bất cận cự tỉ mãi tư điền dĩ di tử, tử kì miễn chi”.
Nhân dĩ cáo dư nhi thỉnh dư kí. Chúa xuân thu cao trọng, dĩ chất nhược thường đa bệnh, thả bình sinh bất vi kim tiền mã loát chi hoa, bất vi Bình Dương ca vũ chi hào xa, tôn tiết ức chí nhi vi thiết trâm họa bích chi hành, tích kim nhược can vi thử cử tắc sở tồn giả đại dã. Chí nhược Tô Sinh phụ quách, Hứa Dĩ cầu điền, sở bất tiết đạo dã. Tha nhật thác tân phụ hà tương như chi hà, Trọng Hậu chi thành xác tự chúa dĩ tri kì khả thác hĩ. Ta hồ hà ngôn chi bi chí ư thử. Toại bất năng dĩ vu ngôn nhi vi chi kí chi Dương Xuân Cư Chánh tự điền.
Thành Thái lục niên bát nguyệt sơ cát.
Tả tôn chánh Tuy Lí vương soạn.
(Bài ghi trên bia ruộng thờ Dương Xuân - Cư Chánh.
Khanh ắt có ruộng khuê, đó là chế độ thời xưa. Về sau người ta tậu ruộng tư làm ruộng thờ, tuy việc lấy dùng mỗi thứ một khác, nhưng con cháu ngày sau dốc sức vào đó để cung cấp cho sự thờ cúng, truyền lại mãi mãi không đổi, so với chế độ ngày xưa cũng tương đương, sao có thể bỏ đi được. Ruộng thờ ở Dương Xuân và Cư Chánh do Lại Đức thái trưởng công chúa Mai Am vì con cháu mai sau mà đặt ra vậy. Trước kia, phò mã Thân Như Phủ có con trai là Trọng Mậu do Mai Am sinh hạ, nhưng bị chết sớm ở cái tuổi ấu thơ; Như Phủ vì thế mà u uất không nguôi; đến biến cố năm Giáp Thân, ông chết vì việc Cần vương, da ngựa bọc thây, ấy là cái chí của ông.
Sau khi mãn tang, công chúa thân chọn người cháu là Trọng Hậu, nuôi từ lúc còn khóc oa oa để đến lúc kế thừa, nhưng thường lo Trọng Hậu không lấy gì tự lập được. Tháng Chạp năm đầu niên hiệu Đồng Khánh [17], công chúa để dành bổng riêng được hơn hai nghìn sáu trăm quan, mua ruộng tư của bọn Tích con ông Do ở xã Dương Xuân được bốn mẫu; tháng Tám năm Thành Thái thứ 5 [1893], mua thêm ruộng tư của Thân Bá Tuy ở xã Cư Chánh một mẫu chín sào mười thước, đều đặt làm ruộng thờ để lại cho Trọng Hậu. Nhưng xong việc, công chúa than thở: “Chồng ta coi trọng niềm trung nghĩa, phấn đấu không đoái hoài đến thân mình, chưa có một thước tấc công lao ghi vào sử sách, thảm thiết biết chừng nào! Lại khiến cho ngày sau không lấy gì làm cỗ bàn thờ cúng, há chẳng càng thảm thiết hơn sao? Liền không dè sẻn món tiền lớn, mua ruộng này để lại cho con, con hãy gắng lên”.
Nhân đó, đem việc nói với ta và xin ta bài kí. Công chúa tuổi đã cao, người đã yếu, thường đau ốm luôn; vã lại, bình sinh không phô trương vàng bạc tiền nong, không xa xỉ hát hò ca múa; ăn tiêu dè dặt, giữ nết giản dị trâm sắt tường hoa, dồn vàng để làm việc này, thì cái còn lại là rất lớn. Đến như Tô Sinh mang quách, Hứa Dĩ cầu ruộng đều không phải là giữ theo đạo lí. Ngày khác đốn củi vác cây dù sẽ như thế nào, tấm lòng thành của Trọng Hậu đúng với những gì công chúa đã biết là có thể kí thác vậy. Than ôi! Đau xót nói sao đây! Nhưng đến thế không thể đừng nói, nên làm bài kí về ruộng thờ ở Dương Xuân và Cư Chánh.
Ngày tốt tháng Tám năm Thành Thái 6 [khoảng 31/8 - 28/9/1894].

Tả tôn chính Tuy Lí vương soạn).

[1] Ông Thân Trọng Hi cho biết quyển gia phả bằng chữ Hán soạn năm Kỉ Sửu (1829) thời Minh Mạng chỉ liệt kê danh sách hơn 500 người họ Thân, nhưng không phân biệt rõ thế thứ, niên canh; ngài khai canh là Hoàng thủy tổ khảo Ngụy Địa quân Thân Đại lang cũng không có tên húy và hành trạng.
[2] Gia phả (Quốc ngữ, của Thân Trọng Ngật) chép rằng: Thái sơ tổ là ông Thanh (1665- ?), “bà mẹ người làng Chánh Hoa, nay gọi là Thượng An, mất sớm. Ông với bà kế mẫu không bằng lòng nhau phải tránh qua ở bên hữu chốn kinh thành kiếm cách nuôi mình”. Kế tiếp, Thiếu sơ tổ là ông Bảng (1704 - 1783), “ở tại núi Nguyệt Biều, ấy là nhà thờ Cửa Sĩ bây giờ. Về sau ra làm quan đến chức tri huyện, phong tước tử, mua ruộng cất nhà để lại cho con cháu”.
[3] Có thể thấy đây là gia phả của riêng phòng “Trọng”, các phòng khác chỉ liệt kê bằng biểu đồ.
[4] Mẹ công chúa là bà Nguyễn Khắc Thị Bửu, người xã Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), sinh ngày 30/7/Tân Dậu (7/9/1801), được vua Gia Long chọn vào làm thị nội ở tiềm để hoàng tử Đảm năm 1814. Sau đó, hoàng tử Đảm được phong Đông cung năm 1816, rồi lên ngôi năm 1820, niên hiệu Minh Mạng, phong bà làm Tiệp dư; đến năm 1836 tấn phong Thục tần. Bà tính hiếu thảo, đoan trang, nhân từ, dạy con theo lễ giáo phong kiến, nhưng lấy cần kiệm làm gốc, không cho đọc các loại sách nhảm nhí... Bà rất thân với tiệp dư Lê Thị Ái, mẹ của hoàng tử Miên Trinh. Vì liên can đến án người nhà lấy trộm vàng trong cung, bà bị cách chức Thục tần, năm sau được khởi phục Tiệp dư (1837). Đến năm 1849, Miên Thẩm làm nhà vườn riêng gọi là Tiêu Viên phía sau phủ, đón mẹ và các em ra ở. Bà mất ngày 17/8/Tân Hợi (12/9/1851), thụy Đoan Liệt. Miên Thẩm dâng sớ kêu xin, lời lẽ thống thiết chí tình; vua Tự Đức cảm động, cấp trả cho bà vị hiệu Thục tần. Mộ táng tại đất xã Dương Xuân Thượng (nay xã Thúy Xuân, Huế), hiện còn tấm bia khổ 161 x 84 cm, trán chạm lưỡng long triều nguyệt, diềm chạm chim và mây, mặt khắc bài văn chữ Hán do Miên Thẩm soạn, không đề niên đại, gồm 21 dòng, khoảng 1800 chữ, hầu hết đã mờ mòn không thể đọc được.
[5] Hiếm có gia đình nào mà cả bốn anh em đều nổi tiếng là danh sĩ ở đất thần kinh thế kỉ XIX như gia đình này. Miên Thẩm là anh cả, đã tác thành cho ba cô em gọi là Tam Khanh: Trọng Khanh Vĩnh Trinh, Thúc Khanh Trinh Thận, Tam Khanh Tĩnh Hòa. Hiện nay, tác phẩm của Vĩnh Trinh đã bị thất lạc.
[6] Thân Trọng Tiết sinh ngày 7/01/Mậu Tí (21/2/1828), đỗ cử nhân khoa Canh Tuất, Tự Đức 3 (1850), đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Hợi, Tự Đức 4 (1851), làm Án sát Quảng Ngãi, Bình Định, đến Thị giảng học sĩ ở viện Tập Hiền, lãnh Đốc học Hải Dương rồi về hưu, mất ngày tháng 5/Mậu Ngọ (13/6/1858).
[7] Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, Lô Giang tiểu sử, viết năm 1927, bản dịch: Nguyễn Hi Xước, 1947, phụ lục trong Gia phả họ Thân, bản Quốc ngữ soạn năm 1965.
[8] Minh hồng: chim vịt trời ngoài biển xa. Hồng và nhạn là loài chim nước, bao giờ bay cũng có đàn, con lớn bay trước, con bé bay sau, chỉ tình anh em thân thiết.
[9] Vũ mao: lông chim hồng, chỉ cái chết. Sách Sử kí của Tư Mã Thiên có câu: “Nhân cố hữu tử, tử hoặc trọng ư Thái Sơn, hoặc khinh ư hồng mao” (Người ta cố nhiên ai cũng chết, nhưng có cái chết nặng như núi Thái Sơn, có cái chết nhẹ như lông chim hồng).
[10] Bia mộ ghi ông mất giờ Dần ngày 6/7/Ất Dậu (15/8/1885), có lẽ chỉ căn cứ vào ngày Nguyễn Văn Mại gặp ông lần cuối), không ai biết nắm xương tàn gởi về đâu!
[11] Miên Trinh mất ngày 30/3/Canh Ngọ (30/4/1870).
[12] Tĩnh Hòa mất ngày 5/3/Nhâm Ngọ (22/4/1882).
[13] Nguyên linh: một thiên trong kinh Thi, có câu: “Tích linh tại nguyên, huynh đệ cấp nạn” (chim chìa vôi đứng trên đồng, anh em phải giúp nhau khi hoạn nạn, nguy cấp), chỉ tình anh chị em. Bầy giờ Miên Thẩm và Tĩnh Hòa đều đã mất (chú của Lương An).
[14] Biệt hạc: tên một khúc đàn cũ, nói lên nỗi buồn của người đàn bà không con. Xưa, Mục Tử lấy vợ đã năm năm mà không sinh đẻ gì cả, người cha khuyên con nên lấy vợ khác. Vợ Mục nghe biết, nửa đêm ra tựa cửa khóc thảm thiết, Mục Tử cũng rất buồn. Người đời sau nhân đó sáng tác thành khúc đàn. Đây tác giả tự ví với tình cảnh mình (theo chú của Lương An).
[15] Mông Trang: chỉ Trang Chu, người đất Mông thuộc nước Tống thời Chiến Quốc, vì ông nổi tiếng về câu chuyện giấc mơ hóa bướm nên gọi là Mộng Trang. Trong thiên Dưỡng sinh chủ, ông viết: “Ngô sinh dã hữu nhai” (Đời ta có giới hạn), ý nói đời ngắn ngủi quá (theo chú của Lương An).
[16] Có sách ghi bà mất ngày 26/11/Quý Mão - nghĩa là sau 10 ngày, 13/01/1904. Ở đây, chúng tôi căn cứ Nguyễn Phúc tộc thế phả; tuy nhiên, chưa chắc thời điểm nào chính xác.
[17] Dương lịch: 1887, Đồng Khánh I tương đương năm 1886, nhưng tháng Chạp thì đã qua năm 1887.
-----------------------------------
* Nhà Nghiên cứu Hán Nôm, Bảo tàng Dân gian Thành phố Huế.

Bài viết khác

Thân tộc với vùng đất Quảng Nam

Ngày trước, ông bà ta khi nói đến nhân dân thì thường dùng chữ "bách tính" (trăm họ). Cộng đồng đân tộc Việt Nam là một khối thống nhất, trong đó có nhiều tộc họ, lớn nhỏ khác nhau, nhưng tộc họ nào cũng góp phần vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong suốt quá trình lịch sử từ ngàn xưa đến nay. ...

Lễ Phát Thưởng Khuyến Học Họ Thân Thừa Thiên Huế năm 2018

Lễ phát thưởng khuyến học năm 2018 cho các cháu con em họ Thân Thừa Thiên Huế học giỏi nhân ngày lễ Túc Yết Chạp Mộ Họ ngày mồng 9 tháng 7 Mậu Tuất (19/8/2018)

Đại Hội Hội Đồng Thân Tộc VN lần thứ III nhiệm kỳ 2018-2023

Thực hiện Kế hoạch hoạt động của Hội đồng Thân tộc Việt Nam, sau một thời gian thực hiện các bước chuẩn bị. Trong 02 ngày từ 27 đến 28/10/218 Hội đồng Thân tộc Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2 Hội đồng Thân tộc huyện Yên Thế

Thông báo kết quả Kỳ họp thứ 2 Hội đồng Thân tộc huyện Yên Thế

Lễ ra mắt ban liên lạc tuổi trẻ họ thân Thừa Thiên Huế

Trong không khí phấn khởi và tự hào hướng tới các hoạt động kỷ niệm 1000 năm họ Thân.Vào lúc 8 giờ sáng, ngày 5 tháng 9 năm 2010 các bạn trẻ họ Thân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức giao lưu, gặp mặt và thành lập Ban liên lạc Tuổi trẻ họ Thân tại tỉnh Thừa Thiên Huế.